Lươn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Các món từ lươn không chỉ xuất hiện trong các bữa ăn gia đình mà còn ở những quán ăn, nhà hàng. Do đó, nhu cầu sử dụng lươn của thị trường hiện nay là rất lớn. Để có thể đáp ứng được điều đó, phương pháp nuôi lươn không bùn ra đời. Cách nuôi này giúp mang lại hiệu quả và năng suất cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Sau đây là những điều cần chuẩn bị khi nuôi lươn không bùn mà National Collection of Plant Pathogenic… chia sẻ đến các bạn
Đặc điểm môi trường sống của lươn
Lươn là loài thủy sản không có vẩy, thân thuôn dài và da trơn. Lươn có thể sống ở cả hai môi trường nước mặn và nước ngọt. Nhiệt độ thích hợp để lươn sinh trưởng và phát triển là từ 22 độ C đến 28 độ C. Nếu như nhiệt độ giảm xuống dưới 18 độ C thì lươn sẽ giảm ăn. Hoặc khi nhiệt độ vượt quá 32 độ C thì lươn ngừng ăn hẳn.
Khi nuôi lươn, hàm lượng oxy trong nước cần phải đảm bảo trên 2mg/l và hàm lượng NH3 nhỏ hơn 2mg/l. Lươn là loài có hiện tượng sinh sản lưỡng tính. Mùa sinh sản chủ yếu của lươn thường rơi vào khoảng từ tháng năm đến tháng 6. Tuy nhiên cũng có thể kéo dài đến tháng 8 và tháng 9 dương lịch.
Cách thiết kế hồ nuôi lươn không bùn
Đối với phương pháp nuôi lươn không bùn, bạn có thể thả nuôi chúng trong hồ xi măng hoặc hồ lót bạt. Bà con có thể tận dụng những không gian sẵn có tạo nhà như chuồng heo cũ, hồ cá…để nuôi lươn. Hồ nuôi lươn không bùn tiêu chuẩn phải được thiết kế theo hình chữ nhật. Diện tích hồ nuôi khoảng từ 6m2 đến 20m2. Thành hồ cao từ 0.8m đến 1m. Độ dày tường có thể tùy thuộc vào sở thích của người nuôi. Mặt trong của hồ nuôi nên được ốp gạch hoặc dùng các vật liệu trơn.
Nếu bà con sử dụng hồ lót bạt để nuôi lươn không bùn thì cần phải làm khung đỡ cho hồ. Vật liệu chọn để làm khung có thể là sắt, gỗ…Diện tích của hồ bạt nuôi lươn tối ưu sẽ rơi vào khoảng từ 4m2 đến 10m2. Cần lưu ý không nên làm hồ lót bạt có diện tích quá lớn.
Dù là lựa chọn nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng hay hồ bạt thì cũng cần phải chú ý đến việc thiết kế hệ thống thoát nước sao cho thuận tiện cho việc chăm sóc và thay nước hồ nuôi. Mặt đáy hồ phải có độ nghiêng về phía cống thoát nước từ 2cm đến 5cm. Để có thể thải bỏ thức ăn thừa, các chất thải của lươn hoặc tháo cạn nước khi cần thiết. Nên sử dụng ống nhựa PVC để thoát nước. Cần dùng lưới nông nghiệp chắn miệng ống để lươn không bị cuốn trôi theo dòng nước.
Cần thiết kế giá thể để cho lươn trú ẩn. Có hai loại giá thể được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Một là sử dụng dây nhựa, dây nilon để bó thành chùm rồi thả trong hồ nuôi từ lúc thả lươn giống đến khi thu hoạch. Mỗi hồ cần có từ 5 đến 10 chùm dây. Hai là sử dụng khung tre đan hoặc ống tre, ống nhựa.
Phía trên hồ nuôi lươn cần sử dụng lưới che nắng để tạo độ mát cũng như hạn chế nước mưa rơi xuống hồ. Có thể thả lục bình hoặc bèo vào hồ nuôi để giúp ổn định nhiệt độ nước. Mực nước trong hồ nuôi lươn không bùn nên được duy trì từ 7cm đến 30cm. Khi cho lươn ăn thì có thể hạ mực nước xuống thấp hơn. Trong điều kiện thời tiết năng nóng, người nuôi cần bơm thêm nước vào hồ.
Đối với những hồ nuôi cũ sau khi suất lươn cần được tháo cạn nước. Vệ sinh hồ sạch sẽ và phơi hồ từ 25 ngày đến 30 ngày, sau đó mới có thể thả lứa tiếp theo. Đối với những hồ mới thì bơm nước vào đầy hồ, sau đó ngâm với vôi sống hoặc thuốc tím từ 2 ngày đến 3 ngày rồi tháo kiệt nước. Ngâm và tháo nước hồ lặp lại từ 3 đến 4 lần là có thể bắt đầu thả lươn giống.
Lưu ý khi chọn giống và thả nuôi lươn không bùn
Thời điểm thích hợp để thả nuôi lươn không bùn là từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch ở khu vực miền bắc. Còn đối với khu vực phía nam có thể thả nuôi lươn quanh năm. Nên chọn giống đực sản xuất bằng phương pháp bán nhân tạo tại các địa điểm bán giống uy tín. Kích cỡ con giống tối ưu để chọn thả nuôi là từ 40 đến 60 con/kg. Con giống phải có sự đồng đều, không bị sây sát. Không chọn con giống lươn thuần được đánh bắt trong tự nhiên.
Nên thả lươn giống vào những lúc trời mát, thả lươn nhẹ nhàng vào hồ nuôi. Trong giai đoạn đầu khi thả lươn giống, chúng có thể bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột. Vì thế bà con phải ngưng cho lươn ăn từ 3 đến 4 ngày. Đồng thời sử dụng Vitamin C pha loãng để tạt vào hồ nuôi lươn.
Mật độ thích hợp để thả nuôi lươn không bùn là từ 70 đến 100 con/m2. Khi có nhiều kinh nghiệm và thiết bị trục nước hỗ trợ thì bà con có thể nuôi lươn với mật độ dày hơn. Trước khi thả lươn vào hồ, nên cho con giống tắm nước muối từ 5 đến 10 phút để khử trùng và loại bỏ các ký sinh trùng.
Lựa chọn thức ăn cho lươn
Thức ăn yêu thích của lươn trong hồ nuôi không bùn là giun quế, giun đất, các loại nhuyễn thể như sò, hến, ốc, nghêu và các loại cá tạp. Ngoài các loại thức ăn tươi sống, bà con cũng có thể cho lươn sử dụng thức ăn công nghiệp để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và phát triển của lươn nuôi không bùn. Khối lượng thức ăn cần cung cấp sẽ bằng khoảng từ 5% đến 8% trọng lượng của lươn có trong hồ nuôi.
Trong giai đoạn đầu bà con cho lươn ăn hoàn toàn vào buổi tối. Sau đó tập cho lươn ăn dần dần vào buổi sáng. Khi ấy, cần chia lượng thức ăn mỗi ngày theo thời gian. Khoảng 20% thức ăn sẽ dùng vào ban ngày và 80% thức ăn còn lại sẽ dùng vào ban đêm. Nếu phát hiện có lươn bỏ ăn thì cần cách ly nuôi riêng để hạn chế lây bệnh cho đàn.
Bà con cần lưu ý, lươn rất nhạy cảm và dị ứng với thức ăn có mùi lạ. Vì thế khi thay đổi thức ăn mới, bà con cần phải thận trọng. Nên pha trộn thức ăn mới và thức ăn cũ với nhau để lươn bắt đầu làm quen. Sau đó tăng dần tỉ lệ thức ăn mới đến khi thay đổi hoàn toàn.
Cách phòng ngừa bệnh khi nuôi lươn không bùn
Phòng ngừa bệnh là yếu tố hết sức quan trọng để giúp cho việc nuôi lươn không bùn đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất. Bà con cần phải lựa chọn nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng. Đảm bảo vệ sinh môi trường của hồ nuôi lươn không bùn. Thường xuyên theo dõi các hoạt động của lươn nuôi để có những biện pháp điều trị phù hợp khi không may có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, thức ăn thừa và chất thải của lươn là những nguyên nhân thường gặp khiến cho môi trường nuôi lươn không bùn bị ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh. Bà còn cần thực hiện sát trùng hồ nuôi bằng POD với nồng độ 1ppl để hạn chế mầm bệnh. Tiến hành sổ giun cho lươn bằng các sản phẩm tiêu diệt ký sinh trùng định kỳ hai tuần một lần và bổ sung men tiêu hóa định kỳ 7 ngày một lần nhằm hỗ trợ tiêu hóa và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi.
Cách thu hoạch và vận chuyển lươn nuôi
Đối với mô hình nuôi lươn không bùn, khi thả con giống với mật độ từ 50-60 con/1kg thì thời gian nuôi sẽ rơi vào khoảng từ 5 đến 7 tháng là có thể thu hoạch. Lươn sẽ có thể đạt trọng lượng trung bình từ 150gr đến 200gr mỗi con.
Nếu như thả nuôi giống từ 5 đến 7 con/kg thì thời gian nuôi lươn không bùn đến khi thu hoạch chỉ khoảng 3 tháng. Bà con có thể thu hoạch lươn theo hình thức rỉa hoặc thu hoạch toàn bộ để bán. Sau đó tiến hành vệ sinh hồ nuôi lươn để chuẩn bị cho vụ tiếp theo.
Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn có thể nắm được những điều cần chuẩn bị khi nuôi lươn không bùn và đạt được nhiều thành công trong mô hình này.