Lai tạo thành công giống cà phê mới ở Tây Nguyên

Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành lai tạo và tuyển chọn ra được 21 giống cà phê mới, hiện các giống cà phê này (bao gồm cả kỹ thuật trồng và chăm sóc)đang được chuyển giao cho các nông hộ trồng cà để tăng năng suất cũng như chất lượng của cà phê Việt.

Những thành tựu của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên trong việc nghiên cứu lai tạo giống cà phê mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

Những giống cà phê vối này cho năng suất cao hơn hẳn những giống cà phê truyền thống trước đây, sản lượng đạt từ 4,5-7,3 tấn cà phê nhân/ha, đặc biệt trọng lượng của hạt cà phê cũng được cải thiện đáng kể, đây vốn là điểm yếu của các dòng cà phê truyền thống trước đây, với trọng lượng đạt 17 đến 23 gram trên 100 hạt thì đã cao hơn hẳn trọng lượng 100 hạt bình quân hiện nay, chỉ đạt 13-14 gram.

Ngoài ra, bên cạnh những thành công trong việc lai tạo cà phê, Viện cũng đưa ra 10 giống cà phê chè mới, nổi trội trong 10 giống này phải kể đến giống TN1, TN2 đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho phép khu vực hóa. Với năng suất vượt trội, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và hạn chế được bệnh gỉ sắt, TN1 và TN2 đã trở thành giống cà phê chè được khuyến cáo nên sử dụng.

Cùng với việc lai tạo thành công được giống cây cà phê mới, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã xây dựng và bắt đầu triển khai quy trình chăm sóc những giống cà phê mới này, nhằm giúp các hộ nông dân có thể áp dụng tiên tiến khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và mang đến nguồn thu nhập ổn định hơn cho nông hộ, thực hiện hướng dẫn các người trồng cà phê và doanh nghiệp thực hiện bón phân theo độ phì của mỗi khu đất khác nhau.

Nghiên cứu thành công giống cà phê mới
Nghiên cứu thành công giống cà phê mới giúp mang đến năng suất cao hơn.

Cụ thể, Viện đã chuyển giao hoàn toàn quy trình ghép và thay đổi giống cà phê với tỉ lệ thành công lên đến hơn 90%. Đây đuộc xem là một trong những thành tựu khoa học kỹ thuật được nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh cà phê hưởng ứng, việc thay đổi những giống cà phê có năng suất thấp, già cõi và không còn được thị trường quan tâm bằng những giống cà phê mới tốt hơn giúp mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, chi phí để ghép cây thấp hơn rất nhiều lần so với việc trồng mới lại hoàn toàn, sau khi ghép cây chỉ sau 3 năm, cây sẽ cho năng suất ổn định với sản lượng đạt 20-25kg quả/cây, cao gấp đôi so với những giống cà phê truyền thống.

Không chỉ nghiên cứu giống mới, Viện còn đưa ra những giải pháp kỹ thuật để giúp các hộ nông dân và doanh nghiệp tái canh cà phê vối, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật giúp đa dạng hóa cây trồng thay vì chỉ trồng mỗi cà phê, bằng cách trồng xen kẻ những cây ăn quả lâu năm như bơ, sầu riêng,… giúp cải thiện chất lượng đất cũng như chất lượng của cà phê, phương pháp luân canh cây trồng này đang được áp dụng rất phổ biến ở nhiều nơi nhằm bảo vệ đất trồng.

Ngoài ra, những nghiên cứu của Viện cũng đã giúp nông dân phòng chống hiệu quả những loại sâu bệnh thường gặp ở cây cà phê như rệp sáp, mọt đục quả, bệnh gỉ sắt, khô cành,… không những giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp nông hộ hạn chế sử dụng những hóa chất trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cho người làm nông.

Theo thông kê, hiện nay có khoảng 622.000ha đất trồng cà phê, hầu hết trong số đó là tập trung ở Tây Nguyên (hơn 90%). Nhờ những ứng dụng thực tế những công trình nghiên cứu của Viện mà năng suất cà phê của Việt Nam hiện đang đúng ở mức cao nhất trong số các nước sản xuất cà phê hiện nay (đạt từ 23,5 tạ cà phê nhân/ha), gấp từ 2-3 lần so với sản lượng bình quân của thế giới.

Có thể thấy việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp mang đến hiệu quả rất lớn, góp phần cải thiện chất lượng cây trồng cũng như tăng thêm năng suất.